Với những người không biết về các thiết bị trong dàn âm thanh, thì âm thanh đơn giản chỉ là micro hút tiếng người nói và loa phát ra “y hệt” những gì đã nhận được. Tuy nhiên ở góc độ là kỹ thuật viên hoặc người có kiến thức về âm thanh, thì để loa phát ra tiếng được rõ ràng hoặc ngọt ngào, bay bổng cho các ca sỹ trình diễn tốt trên sân khấu, nó là cả một quá trình XỬ LÝ TÍN HIỆU phức tạp và cực kỳ quan trọng. Bài viết sẽ giới thiệu với bạn chức năng của các bộ xử lý tín hiệu trong dàn âm thanh để hiểu rõ hơn về các thiết bị cũng như tầm quan trọng của quá trình này.
1. Mixer (bàn trộn tín hiệu)
Bàn trộn tín hiệu – Mixer được xem như một “trái tim” trong dàn âm thanh, với khả năng kết nối, trộn tất cả các tín hiệu đầu vào và truyền đi cho các thiết bị phát. Các thiết bị đầu vào như: micro, nhạc cụ… có mức độ tín hiệu rất nhỏ, thường trong khoảng -40dB đến – 20dB, bởi thế chúng cần phải được khuếch đại lên một điện thế chuẩn để có thể chỉnh sửa lại một cách dễ dàng. Và trong các mixer sẽ có sẵn chức năng khuếch đại tín hiệu đầu vào.
1 channel (hay còn gọi là 1 ngõ vào) của mixer phổ biến sẽ bao gồm các nút chức năng như sau:
Giắc kết nối: Thông thường sẽ là cổng Balanced (XLR, canon) cho ngõ vào microphone hay cổng TRS cho các line in tín hiệu. Ngoài ra một số mixer cũng có thêm một ngõ vào Insert để đưa tín hiệu ra thiết bị khác cho ngõ vào đó khi cần (ít được sử dụng).
Biến trở tín hiệu: hay còn được biết đến tên Gain (độ lợi) hoặc Sen (sensitivity – độ nhạy) để tùy chỉnh độ nhạy tín hiệu cho line đầu vào, từ -20dB đến +20dB. Nút vặn này thường được khống chế đến một ngưỡng lớn nhất định phù hợp cho độ lớn âm thanh mà vẫn đảm bảo loa không bị hú.
Góc chia sẻ:
- 3 nhãn hiệu micro cổ ngỗng dành cho hội trường đáng tin cậy
- Tư vấn thiết kế hội trường chuyên tổ chức hội thảo
Biến trở điều chỉnh âm sắc (equalizer) cho mỗi kênh: Tùy vào loại mixer mà khu vực này sẽ bao gồm 2, 3 hay 4 tùy chọn điều chỉnh khác nhau, bao gồm: High hay treble (dải tần cao), Mid (dải tần trung) và Low hay Bass (dải tần thấp), để tùy biến âm sắc của từng thiết bị đầu vào như microphone, nhạc cụ hay đầu đĩa phát nhạc…
Pan hay Balance: Chức năng điều khiển phát tín hiệu âm thanh qua cụm loa trái hoặc phải theo yêu cầu.
Mute và đèn báo: nằm phía trên các fader điều chỉnh mức độ tín hiệu, cho phép “đóng” hoặc “mở” từng ngõ vào tín hiệu trên bàn mixer, và đèn báo kiểm tra mức độ tín hiệu đầu vào của line input.
Fader: Cần điều chỉnh mức độ tín hiệu cho từng channel trên bàn mixer, thường sẽ có thêm các nút “định hướng” tín hiệu bên cạnh như: L-R (left – right) hay Group 1-2, 3-4…
Tất cả những tín hiệu đưa vào mixer sẽ được trộn và gửi đến các “địa điểm” theo các ngõ Output: Stereo Out, Aux Out, Group Out… tùy nhu cầu sử dụng và chức năng bàn mixer. Ngoài ra các mixer còn có thể có những ứng dụng như nguồn phantom 48V cho các channel sử dụng micro condenser, hay dạng gửi tín hiệu Aux Post hay Aux Pre… các bạn thắc mắc có thể tham khảo trên internet rất chi tiết.
2. Equalizer – Bộ lọc trong dàn âm thanh
Khác với mixer trộn các tín hiệu đầu vào lại, khuếch đại và gửi chúng đi với mức độ theo ý muốn, equalizer chỉ có chức năng điều chỉnh âm sắc cho dàn âm thanh. Tín hiệu từ mixer truyền đến equalizer và nó cho phép người sử dụng tăng, giảm biên độ của từng tần số cố định, từ 20Hz-20kHz, trong dải tai người có thể nghe được. Mỗi tần số được quy định như 1 “band” của equalizer, và tùy thiết bị mà có thể có từ 5-31 band trên một equalizer, với thiết kế mono
Biên độ gia tăng của các loại equalizer thông thường cho phép trong khoảng ±12 dB. Người ta dùng Equalizer để cân chỉnh cho âm sắc của các line tín hiệu đầu vào và khả năng của loa sao cho phù hợp với không gian sử dụng, âm thanh ra đẹp, rõ ràng và sắc nét, không bị hú hay rít khi sử dụng.
Equalizer chỉ có chức năng điều chỉnh âm sắc cho dàn âm thanh
Mỗi dàn âm thanh thường có từ 1-2 equalizer để chỉnh âm sắc, tuy nhiên hiện nay nhu cầu thực tế cần chỉnh âm sắc riêng biệt cho từng thiết bị đầu vào là khác nhau: micro căn chỉnh khác, nhạc cụ khác và nhạc nền khác, vì thế sử dụng chỉ duy nhất 1 equalizer có thể sẽ không đủ chất lượng cho cả bộ dàn, nên nhiều dàn âm thanh đầu tư sử dụng các loại mixer kỹ thuật số (digital), tích hợp sẵn khá nhiều bộ máy equalizer và cho phép tùy chỉnh từng đường tín hiệu đầu vào với 1 máy equalizer riêng biệt để tạo hiệu quả âm thanh tốt nhất.
3. Crossover (phân tần số cho loa)
Tín hiệu đầu ra thì chỉ có một nhưng nhiều dàn âm thanh lại bao gồm nhiều cụm loa, với các chức năng khác nhau: hệ thống loa cho tiếng ca, hệ thống loa sub, hệ thống loa monitor… và mỗi cụm loa như thế có chức năng và thế mạnh riêng của nó, chuyên cho một dải tần số nhất định với chất lượng tốt nhất. Chính vì thế mà cần phải có Crossover để phân chia tần số cho từng cụm loa theo khả năng và mục đích sử dụng.
Crossover để phân chia tần số cho từng cụm loa theo khả năng và mục đích sử dụng
Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn từng bộ phân tần khác nhau, với các loại Crossover dạng analog truyền thống, hay dạng digital và từ 2-8 đường Output khác nhau cho từng cụm loa. Hiện nay các dàn âm thanh trình diễn đa số sử dụng các bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số (còn gọi là DSP) với nhiều kết nối đầu vào – ra đa dạng: 2 in – 4 out, 3 in – 6 out hay 4 in – 8 out để setup dàn âm thanh cách hiệu quả nhất. Các bộ máy này thường có sẵn các chức năng: căn chỉnh Equalizer, delay, limit… cho các ngõ ra riêng biệt để bạn setup dàn âm thanh cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Đó chính là những chức năng của 3 thiết bị xử lý tín hiệu trong dàn âm thanh phổ biến nhất mà bạn nên biết để ứng dụng điều chỉnh một cách chính xác, hiệu quả hơn khi làm âm thanh. Hy vọng bài viết đã mang lại thêm được những thông tin, kiến thức mới dành cho bạn khi bắt tay vào làm việc trong lĩnh vực âm thanh này.
Theo soundking.vn
Block "bai-viet-moi" not found